“HẲN PHẢI CHOÁNG VÁNG LẮM khi phát hiện ra phu quân của mình vẫn còn sống ấy, phu nhân Jones nhỉ.
” Nụ cười của Rosalind Fleming thật bình thản và hiểu biết. “Người ta chỉ có thể tưởng tượng ra những tác động lên hệ thần kinh khi lại có một người đã chết xuất hiện ngay trước cửa nhà mình.
”
“Tất nhiên rồi, thật choáng vàng hết sức.
” Venetia đẩy một bức tượng nho nhỏ sang vị trí hơi khác đi bên cạnh chiếc ghế Rosalind ngồi và quày quả trở lại chỗ máy ảnh. “Nhưng người ta phải biết điều chỉnh thích ứng với chút chuyện bất tiện cỏn con của cuộc đời để mà tiếp tục sống nốt chứ, phải không ạ?”
Mọi thứ xung quanh như bỗng ngưng đọng lại.
“Chuyện bất tiện ư?” Rosalind lẩm bẩm, giọng mơ hồ, chất vấn.
Amelia, đang đứng ngay sau lưng Rosalind để giữ chiếc lọng phủ vải trắng toát, liền rối rít lấy tay ra hiệu cảnh báo.
Venetia hiểu ra. Nhận định rằng việc trở về của một người phối ngẫu từng được cho là đã mất đi vĩnh viễn là một sự bất tiện chắc hẳn không được thích hợp cho lắm. Nàng thầm ghi nhớ sau này phải biết thận trọng hơn.
Khi giao thiệp với khách hàng, không gặp phải rắc rối này thì cũng là rắc rối khác. Việc tập trung hàn huyên với người ngồi mẫu khi ta đang cố xếp đặt một buổi chụp thật khó khăn biết bao. Dù gì đi nữa, đấy vẫn là một khâu thiết yếu trong toàn bộ quy trình. Nếu người chụp ảnh không trò chuyện với người ngồi mẫu, người mẫu sẽ có khuynh hướng trở nên căng thẳng lúng túng.
Làm như nàng chưa có đủ chuyện rắc rối không bằng, khi phải tác nghiệp bên ngoài căn phòng kính của mình như hôm nay ấy.
Rosalind đã tỏ thái độ thẳng toẹt rằng cô ta không mặn mà lắm với việc được chụp ảnh. Cô ta đã giải thích rằng đấy là ý của đức ngài Ackland và cô ta đồng thuận chỉ để vui lòng ông ta mà thôi.
Dầu sao đi nữa, cũng giống như bất cứ người ngồi mẫu trên năm tuổi nào mà Venetia từng gặp, Rosalind vẫn ngạo mạn đến mức muốn có được một bức chân dung tôn nét đẹp. Để đạt được điều này, cô ta đã khăng khăng chỉ muốn được chụp ảnh trong chính ngôi nhà của mình, bao quanh là những của nả quý giá mắc mỏ nhất.
Bộ váy màu xanh thẫm mà cô ta chọn mặc cho dịp này là kiểu dáng thời thượng nhất: trông đặc chất Pháp và cổ áo trễ nải vô cùng. Cô ta đeo vào người cả một gia tài trang sức. Kim cương lấp lóa quanh cổ, lòng thòng từ hai tai và tỏa ra hào quang từ món tóc búi tết cầu kỳ của cô ta.
Thậm chí Rosalind còn chọn chiếc ghế để ngồi tạo dáng. Chiếc ghế được mạ vàng và trông giống ngai vàng đến khó chịu.
Căn phòng có trần cao vời vợi trông cũng trang nhã và lắm tiền như chính Rosalind. Nào bình nào tượng cổ đặt trên các bệ đá cẩm thạch. Những màn nhung đỏ thẫm được buộc vén sang bên bằng những dây đai vàng óng rũ thành đống xuống tấm thảm dày.
Hai tiếng trước Gabriel và Edward đã giúp chất những dụng cụ cần thiết, bao gồm máy ảnh, đĩa kính, chân máy, dù lọng, tấm phản quang, lên một cỗ xe thuê. Khi cỗ xe lăn bánh xuống phố, Venetia mới thừa dịp quay nhìn lại. Nàng trông thấy Gabriel đứng trên bậc cửa, trông âm thầm mãn nguyện.
Khi ấy nàng đã ngộ ra rằng chàng hài lòng đến vậy vì nàng sẽ phải bận rộn với chuyện chụp ảnh suốt buổi sáng. Chắc chắn chàng ta đã tự nhủ rằng như thế thì chàng có thể theo đuổi cuộc điều tra của mình mà không phải lo lắng xem nàng đang làm gì. Nàng biết chàng vẫn còn bực dọc với chuyến ghé thăm của nàng đến hiệu ảnh của Burton hôm qua.
Chụp ảnh tại nhà khách hàng bao giờ cũng lằng nhằng. May thay thư phòng nhà Rosalind được soi tỏ bằng ánh sáng tự nhiên. Nhưng dù là thế, vẫn phải mất cả buổi mới bố trí được ánh sáng cho đúng cách, và rõ ràng là Rosalind đang mất dần kiên nhẫn. Cuộc trò chuyện ngày càng chuyển sang hướng riêng tư.
Venetia bắt đầu thắc mắc liệu có phải Rosalind đang chủ ý châm chính mình không, có lẽ đó là một cách để giải tỏa sự chán chường của cô ta chăng.
“Không cần thiết phải chơi chữ với tôi đâu, phu nhân Jones ạ.
” Rosalind cười khùng khục. “Tôi từng có chồng. Tôi không ngại nói cho cô biết rằng tôi hài lòng tận hưởng tình trạng góa bụa hơn là cuộc hôn nhân của tôi rất nhiều.
”
Venetia không thể nghĩ ra lời phù hợp đáp lại câu bình luận ấy, nàng bèn bám vào chủ đề an toàn hơn. “Cô vui lòng nhích bàn tay phải của mình sang trái một hai độ được không ạ? Phải rồi, như vậy sẽ rât đẹp. Amelia này, chuyển chiếc lọng hứng sáng lại gần phu nhân Fleming đây thêm chút nữa đi. Chị cần thêm ánh sáng phía bên trái mặt phu nhân ấy. Chị muốn tôn lên nét thanh tao trên gương mặt nhìn nghiêng của phu nhân.
”
Nịnh nọt người ngồi mẫu một chút cũng có mất gì đâu, Venetia nhủ thầm.
“Như vậy được chưa ạ?” Amelia vừa hỏi vừa chỉnh lại góc lọng.
“Tốt hơn nhiều rồi đấy, cảm ơn em,
” Venetia đáp.
Nàng lại nhìn vào ống ngắm. Đoạn nàng thoắt tập trung, như nàng vẫn thường làm ngay trước khi chụp ảnh.
Ánh sáng và bóng tối đảo ngược. Thần khí của Rosalind Fleming lóa ra, vần vũ xung quanh với cảm xúc mãnh liệt.
Rosalind không phải đang sục sôi vì thiếu kiên nhẫn, Venetia chợt nhận ra. Cô ta đang sục sôi vì phẫn nộ.
Tốt nhất là làm cho xong việc này càng sớm càng tốt.
“Vui lòng giữ yên nhé, phu nhân Fleming,
” Venetia bảo.
Nàng chụp ảnh. Hết thảy trực giác trong nàng đang hối thúc nàng rời khỏi nhà Rosalind càng nhanh càng tốt nhưng đạo đức nghề nghiệp lại giữ chân nàng lại.
“Tốt nhất là ta nên chụp thêm bức thứ hai, nếu cô không phiền giữ nguyên tư thế ấy nhé, phu nhân Fleming.
”
“Được thôi, nếu cô muốn thế.
”
Venetia lấy tấm kính ảnh đã sử dụng ra khỏi máy ảnh, bỏ vào tấm kính mới và chụp thêm bức ảnh khác.
“Tuyệt vời,
” nàng thốt lên, nhẹ cả người thấy đã xong việc. “Tôi nghĩ cô sẽ rất hài lòng với kết quả đấy.
”
“Ảnh bao giờ mới rửa xong vậy?” Rosalind hỏi, để lộ đôi chút hăm hở.
“Hiện giờ tôi khá bận. Nhưng tôi có thể làm xong cho phu nhân vào đầu tuần tới.
”
“Tôi sẽ sai người hầu đến lấy,
” Rosalind bảo.
Venetia gật đầu ra hiệu cho Amelia, lúc này cô bé rõ ràng đã cảm nhận được sự căng thẳng đang leo thang trong không khí, nên đã bắt đầu thu dọn lọng hứng sáng, các tấm gương lẫn tấm phản quang.
“Tôi sẽ cho đầy tớ đến giúp thu dọn các dụng cụ của cô,
” Rosalind bảo. Cô ta lướt qua tấm thảm đi đến chiếc bàn giấy diêm dúa để kéo sợi dây chuông bằng nhung.
“Cảm ơn nhé,
” Venetia vừa làu bàu vừa tháo dỡ máy ảnh khỏi chân máy.
“Vấn đề của mấy ông chồng là họ đòi hỏi quá nhiều thời gian lẫn sự tận tâm,
” Rosalind lên tiếng, quay lại chủ đề trò chuyện ban nãy. “Dù giàu có đến thế nào, bọn họ luôn có khuynh hướng khó chịu là than phiền về tiền bạc mà người ta phải chi cho những món đến là thiết yếu như xống áo hay giày dép. Này nhé, bọn họ chẳng chớp mắt đến hai lần khi nghĩ về việc phải mua nữ trang đắt tiền cho bọn nhân tình của họ đâu, trong khi đấy chỉ cho vợ mình mấy thứ rẻ tiền vớ vẩn mà cứ ra công chì chiết.
”
Venetia đang dở tay xếp chân máy thì ngưng lại. “Xin thứ lỗi, thưa phu nhân, nhưng tôi nghĩ tốt nhất chúng ta nên thay đổi chủ đề. Chắc là phu nhân không để ý đấy thôi, nhưng Amelia, em gái tôi đây, chỉ mới có mười sáu tuổi. Người ta không thảo luận những kiểu chuyện như thế này trước mặt một thiếu nữ nhỏ tuổi đến thế đâu.
”
Amelia thốt lên một âm thanh kỳ quặc, nửa như mắt nghẹn, và giả vờ như đang bận rộn với mấy tấm phản quang. Venetia biết là con bé đang cố nén cười.
“Tôi xin lỗi,
” Rosalind đáp. Cô ta nở nụ cười lạnh lùng và quan sát Amelia như thể mãi đến lúc ấy mới để ý thấy cô bé. “Tôi không nhận ra là con bé này còn trẻ đến thế. Phải nói là, con bé dường như trong khá già dặn so với tuổi và thuần thục trong công việc.
” Cô ta lại quay sang Venetia. “Rõ là cô đã dạy bảo con bé kỹ càng. Nói cho tôi biết xem nào, phu nhân Jones, cô học nghề này từ đâu thế?”
Rosalind này vừa mới buông lời tuyên chiến đây.
Venetia cố hết sức kiềm chế.
“Nhiếp ảnh vừa là một môn nghệ thuật và cũng là một nghề nữa, cô biết mà nhỉ, phu nhân Fleming,
” nàng nhẹ nhàng đáp. “Bố tôi tặng tôi chiếc máy ảnh đầu tiên và chỉ dẫn cho tôi những kỹ thuật cơ bản chẳng bao lâu trước khi ông qua đời. Tôi may mắn có được một người dì là nghệ sĩ tài hoa. Tôi đã học hỏi được rất nhiều từ dì tôi về cách bài trí bố cục lẫn cách sử dụng ánh sáng và bóng tối.
”
“Tôi nghĩ ngài Jones hẳn phải là ngạc nhiên lắm khi phát hiện ra vợ mình đã tự thân gầy dựng nên cơ nghiệp nhiếp ảnh gia trong khi ông ấy mãi lang thang quanh vùng Viễn Tây vì chứng mất trí ấy nhỉ.
”
“Ngài Jones,
” Venetia đáp bằng giọng bình thản, “là đức lang quân thuộc kiểu tân thời, tư tưởng rất cấp tiến.
”
“Thật vậy sao? Tôi không biết rằng trên đời còn có thứ sinh vật gọi là một đức lang quân thuộc kiểu tân thời cơ đấy.
”
Cánh cửa dẫn vào thư phòng bật mở. Một gia nhân mặc chế phục xuất hiện.
“Vâng, thư bà?”
Rosalind khoa tay về chồng dụng cụ chụp ảnh lỉnh kỉnh. “Này Henry, anh có thể chuyển mớ thiết bị kia ra ngoài rồi đấy. Rồi hãy gọi một cỗ xe cho phu nhân Jones và cô phụ tá đây.
”
“Vâng, thưa bà.
”
Henry cúi xuống nhặt chân máy. Venetia giơ tay che chiếc máy ảnh quý hóa của mình lại.
“Tôi sẽ mang máy ảnh,
” nàng bảo.
“Vâng, thưa cô.
”
Khi đã chất đủ thứ lên mình, tay người hầu dợm bước ra cửa.
“Còn điều này nữa Henry,
” Rosalind chợt lên tiếng.
Henry ngừng bước. “Vâng ạ, thưa bà?”
“Ta biết là phu nhân Jones cùng em gái đã được đưa vào nhà qua cửa trước, nhưng anh phải đưa hai người họ ra ngoài bằng cửa sau, theo lối thường được đám giao hàng sử dụng ấy. Rõ chưa nào?”
Mặt Henry sầm suống. “À, vâng, thưa bà.
”
Miệng Amelia há hốc vì kinh ngạc sững sờ. Cô nhìn sang Venetia tìm chỉ thị.
Venetia đã chịu đựng quá đủ rồi. “Đi thôi nào, Amelia.
”
Nàng cầm máy ảnh lên và đi ra phía cửa rời khỏi thư phòng. Amelia vơ lấy lọng hứng sáng và rối rít theo chân chị. Henry đi sau cùng.
Gần đến cửa Venetia ngừng bước để cho Henry và Amelia đi qua nàng ra ngoài sảnh. Khi cả hai đã ra ngoài, nàng quay lại nhìn Rosalind.
“Xin tạm biệt cô, phu nhân Fleming,
” nàng nói. “Thật không biết bức ảnh của cô sẽ như thế nào đây nhỉ. Những nhà phê bình ảnh của tôi bảo rằng tôi có khiếu nắm bắt được bản chất của người làm mẫu, như cô biết đấy.
”
Rosalind nhìn vào nàng theo cách một con rắn độc ngắm nghía chú chuột con mà nó đang định vồ lấy nuốt chửng.
“Tôi chỉ trông chờ điều toàn mỹ từ cô thôi đấy, phu nhân Jones ạ,
” cô ta bảo.
Venetia bình thản mỉm cười. “Tất nhiên rồi. Dẫu sao thì, tôi cũng là một nghệ sĩ mà.
”
Nàng quay gót bước ra hành lang được chiếu sáng mờ mờ. Henry và Amelia đang đứng chờ, căng thẳng và không rõ nên làm thế nào.
Venetia quả quyết rẽ sang phải tiến ra phía cửa trước. “Lối này này, Amelia. Đi thôi nào, Henry.
”
“Xin lỗi cô,
” Henry khó nhọc thì thào. “Tôi xin lỗi, thưa cô, nhưng lối vào của người giao hàng ở đầu kia căn nhà cơ.
”
“Cảm ơn nhé, anh Henry, nhưng chúng tôi đang vội, mà theo lối cửa trước sẽ nhanh hơn nhiều,
” Venetia bảo. “Chúng tôi đã quen đường rồi, anh thấy đấy.
”
Chẳng biết phải làm gì khác, Henry vô vọng lẽo đẽo theo sau nàng, lôi theo đống thiết bị.
Đi đến cuối hành lang dài, Venetia dừng lại quay nhìn dọc theo chiều dài âm u của hành lang. Rosalind, rõ ràng nhận biết mệnh lệnh của mình đã không được tuân thủ, từ trong thư phòng tiến ra. Cô ta đứng trong bóng tối thâm u của lối đi không được thắp sáng.
“Cô nghĩ mình đang làm gì thế hử?” cô ta lên tiếng, môi mím chặt vì phẫn nộ.
“Tất nhiên là ra về qua lối cửa trước rồi,
” Venetia đáp. “Dẫu sao thì, chúng tôi cũng là những kẻ chuyện nghiệp mà.
”
Bất chợt nổi hứng, nàng tập trung nhìn thật hung một đỗi, để cho nhãn lực mình lại trượt vào dải quang phổ kia. Thần khí của Rosalind hiện ra trước mắt, nóng rực và liên tục di chuyển vì cường độ cơn phẫn nộ của cô ta.
Ả ta không chỉ đang giận dữ, Venetia thầm nghĩ. Ả ta căm ghét mình.
“Có chuyện này cô nên biết đấy, phu nhân Fleming,
” Venetia vừa nói vừa trở lại nhìn như bình thường. “Hiệu ảnh Jones chúng tôi rất tự hào về kỹ năng chỉnh sửa ảnh của mình. Này nhé, cả những người giản dị chất phác nhất cũng có thể được làm cho trở nên hấp dẫn cực kỳ trong ảnh đấy.
” Nàng dừng lời để nhấn mạnh. “Quy trình ấy, dĩ nhiên, cũng có thể dễ dàng đảo ngược.
”
Đây là một lời đe dọa ngạo mạn và cũng rất liều lĩnh. Nhưng nàng chưa bao giờ gặp một người mẫu nào lại muốn được trở nên không đẹp trong ảnh cả. Căn cứ vào sắc đẹp căng tràn và tính kiêu căng ra mặt của Rosalind, thì có vẻ là không ngoa khi kết luận rằng ả ta sẽ rất căm ghét cái ý tưởng có một bức ảnh xấu xí về mình, bất luận cảm xúc của ả ta đối với nhiếp ảnh gia có là thế nào đi nữa.
Rosalind đanh người lại. “Nếu muốn thì cứ đi ra bằng cửa trước đi, phu nhân Jones. Làm thế cũng chẳng thay đổi được sự thật gì. Cô chẳng qua chỉ là một ả bán hàng nhanh trí, mưu mô, biết sử sụng những chiêu trò và ảo giác của thuật nhiếp ảnh để nắm bắt thú vui nhất thời của giai cấp cao quý hơn cô mà thôi. Nhưng rồi xã hội thượng lưu sẽ chóng chán ngấy cô và quay đi tìm thú vui ở nơi khác cho xem. Ai mà biết chứ? Có lẽ một ngày nào đó, cả cô nữa, cũng sẽ buộc phải uống một ly brandy pha xyanua thì sao?”
Nói đoạn cô quay ngoắt người quày quả bỏ vào trong thư phòng, sập cửa đánh sầm sau lưng mình.
Venetia thở dốc, ý thức được rằng mình đang run lẩy bẩy. Nàng có thể cảm nhận được mồ hôi lạnh ngắt vã ra dưới lớp thân váy bó chẽn của mình. Nàng phải vận hết sức bình sinh để giữ vẻ mặt bình thản mà bước nốt quãng đường đi ra sảnh trước.
Amelia và Henry đang đứng đấy chờ. Một cô hầu gái đứng bất động ngay cửa. Cô ta trông bồn chồn hoang mang. Venetia nhoẻn miệng cười tươi với cô hầu gái khi cô này khuỵu gối chào mình.
“Mở cửa giùm nhé, làm ơn,
” nàng hoạt bát bảo.
“Vâng ạ.
” Cô hầu phóng tới trước giật mở cánh cửa.
Tay ôm khư khư chiếc máy ảnh, Venetia lướt qua cánh cửa mở bước ra ngoài mấy bậc cấp mặt tiền. Amelia theo sát sau lưng nàng.
Henry ì ạch theo sau, chật vật mang vác bao dụng cụ chụp ảnh.
Một cỗ xe cho thuê đang đứng phía cuối đường, cả người và ngựa đều đang thiu thiu gà gật. Henry huýt sáo ầm ĩ. Bác xà ích nghe thế liền ngồi bật thẳng dậy giật dây cương.
Cỗ xe lóc cóc tạm dừng trước căn nhà phố. Henry chất dụng cụ lên xe, dìu cho Venetia và Amelia bước vào trong xe đoạn đóng cửa xe lại.
Ô cửa sập trên trần xe mở ra. Bác xà ích nhìn xuống dò hỏi.
“Làm ơn đến hiệu ảnh Jones trên phố Bracebridge,
” Venetia bảo.
“Đi ngay đây, thưa cô.
”
Ô cửa sập đóng lại.
Một thoáng im lìm mong manh bên trong cỗ xe.
Rồi Amelia phá lên cười khúc khích. Cô bé cười hăng đến nỗi cuối cùng cũng phải chặn một bàn tay đeo găng ngang miệng.
“Em không thể tin nổi những gì chị vừa làm ở chỗ đấy đâu,
” rốt cuộc cô bé cũng thốt được nên lời.
“Chị không còn lựa chọn nào cả,
” Venetia đáp. “Nếu chúng ta cho phép mình bị đuổi ra ngoài theo lối của những người giao hàng, thì những tổn thất cho việc kinh doanh của chúng ta sẽ không thể nào khắc phục được. Sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian để tin tức truyền ra ngoài rằng chúng ta bị coi như không đủ tư cách để đi cửa trước.
”
“Em biết chứ. Nhưng phải nói là, cái cách chị đe dọa sẽ nhờ dì Beatrice chỉnh sửa lại ảnh của phu nhân Fleming để khiến mụ ta mất xinh thật là một đòn thông minh tuyệt đỉnh đấy.
”
“Ta chỉ có thể hy vọng là dọa được thôi.
”
“Sao mà không được chứ?” Amelia xòe rộng hai tay. “Kể cả nếu mụ ta từ chối nhận bức ảnh, mụ ta cũng sẽ biết rằng chúng ta vẫn giữ phim. Chúng ta muốn làm gì với nó cũng được, kể cả việc tạo ra một bức chân dung chẳng ra gì để trưng tại cửa hiệu chúng ta cho mọi người cùng chiêm ngưỡng. Việc này sẽ gây ra tin động trời cho xem.
”
“Tiếc là chúng ta không thể làm thế được. Chị chỉ dọa chơi thôi.
”
“Nghĩa là sao chứ? Sau cái cách mụ Fleming ấy nói chuyện với chị thì như thế là đáng kiếp mụ ta mà.
”
“Việc trả thù có lẽ sẽ làm ta hả dạ trong chốc lát,
” Venetia bảo, “nhưng nó luôn quay lại ám lấy ta. Mà trong trường hợp này, việc trả thù đặc biệt rất nguy hại. Nếu chúng ta cho trưng một tấm ảnh xấu xí về người rõ ràng đương rất xinh đẹp như phu nhân Fleming kia, thì những khách hàng khác sẽ đắn đo trước khi mời chị chụp chân dung cho họ đấy.
”
“Vì họ sợ sẽ bị biến thành xấu đau xấu đớn chứ gì.
” Amelia xụ mặt. “Vâng, em hiểu ý chị rồi. Vậy là thôi chẳng trả thù được nữa. Nhưng mà vẫn tiếc thật. Mụ Fleming ấy đáng bị đối xử thô lỗ như cái cách mụ ấy đã đối xử với chị.
”
Venetia nhìn ra ngoài đường phố. “Câu hỏi là, tại sao lại thế?”
“Tại sao mụ ấy lại đối xử thô lỗ với chúng ta ấy à?”
“Không. Tại sao ả ta lại căm ghét chị? Chị đã nhìn thấy ả ta trong đám đông tại buổi triển lãm tối hôm trước nhưng mãi đến hôm nay chị và ả mới được giới thiệu với nhau. Chị đã làm gì để khiến ả phải ghét cay ghét đắng cơ chứ?”