Hạnh phúc của nửa trước cuộc đời một người có liên quan mật thiết đến tuổi thơ của họ.
Hạnh phúc của nửa sau cuộc đời một người có liên quan mật thiết đến cuộc hôn nhân của họ.
Gia đình của một người và hạnh phúc của người đó về cơ bản có mối quan hệ khăng khít với nhau, như môi với răng. (Cách so sánh có vẻ hơi lập dị nhưng tôi không thấy có gì là bất hợp lý.
)
Sau khi tôi chào đời, vì mẹ làm y tá, bố làm giáo viên và công việc bận rộn nên bố mẹ đã gửi tôi về cho bà nội chứ không phải ai khác là vì ông bà ngoại và ông nội tôi đều đã qua đời, chỉ còn mỗi bà nội. Nhưng bà nội xem ra cũng yếu lắm rồi.
Những kí ức về bà nội của tôi luôn được gắn liền với cái bồn gỗ.
Lúc ở nhà bà nội, hằng ngày bà bỏ tôi vào một chiếc bồn gỗ đường kính khoảng nửa mét, dặn tôi không được bò ra khỏi chiếc bồn này. Sau đó, bà đi làm việc của mình.
Tôi cứ ngồi trong chiếc bồn gỗ nhìn bà nội vo gạo, rửa rau, giặt quần áo, giặt chăn, xem tivi, nghe đài hoặc là cứ nhìn chằm chằm vào tấm sàn bằng nhựa phía ngoài chiéc bồn gỗ, xem những miếng tam giác vuông được cân ghép vào thành hình vuông như thế nào. Sau này mấy bài kiểm tra hình học phẳng của tôi điểm đều rất cao.
Chắc là có liên quan đến việc ngồi hàng giờ nhìn những tấm sàn nhựa hình tam giác, hình vuông và chiếc bồn gỗ tròn. Đó chính là những giờ học đầu tiên của tôi.
Trừ việc thỉnh thoảng phải cho tôi đi vệ sinh, bà nội không hề để ý đến tôi.
Chiếc bồn gỗ kia đã giam giữ tất cả niềm vui thích của tôi. Tôi chẳng những không có đồ chơi, không có những vòng tay âu yếm, mà còn không có cả tự do.
Có một lần, chịu không nổi, tôi định bò ra khỏi chiếc bồn gỗ. Tôi thấy bà đang ngồi trên chiếc ghế nhỏ ở phía đối diện, nhìn thấy tôi bò từng tí, từng tí một ra ngoài, nhưng bà không hề ngăn tôi lại. Tôi nghĩ thầm, chắc bà đang cổ vũ tôi nên mới làm như vậy. Và thế là tôi càng cố gắng để trườn ra khỏi chiếc bồn.
Cuối cùng, “cộc” một cái, trán tôi đập mạnh xuống nền xi măng cứng, máu chảy đầy mặt. Bà đi về phía tôi, mắng toi xối xả, đánh cho tôi một trận ra trò rồi mới bế tôi đi bệnh viện. Vết sẹo ở trán dài tới 1 cm của tôi mãi mãi nằm ở nói đó. May mà sau này khi lớn lên do để mái, tóc đã che kín nó, cho nên không làm xấu đi khuôn mặt của tôi, nếu không cuộc đời của tôi có lẽ còn thê thảm hơn.
Vết thương trong tim cũng như vết sẹo kia vĩnh viễn ăn sâu trong tôi. Tôi nghiệm ra rằng cho dù là người thân thì cũng không có ai yêu bạn vô điều kiện. Cái thế giới này chẳng có ai là yêu bạn, tốt với bạn vô điều kiện cả.
Sau này lớn lên, tôi nghĩ lại và cho rằng bà nội lúc đó không yêu tôi, không tốt với tôi là bởi vì bà biết trước mình sẽ không thể sống được đến lúc tôi kiếm được nhiều tiền, vì thế bà không muốn đầu tư tình cảm của mình vào một vụ làm ăn cầm chắc thua lỗ đó.
Mặc dù bà nội luôn lạnh nhạt với tôi, nhưng lúc đó tôi vẫn dùng mọi cách của một đứa trẻ con để lấy lòng bà, gây sự chú ý và cầu mong sự thương xót của bà. Tôi khóc lóc, quấy nhiễu nhưng chẳng có cách nào hiệu nghiệm cả.
Có một lần bà ngồi trên cái ghế con nhặt rau, tôi định lại gần bà một lần nữa. Tôi bò ra khỏi cái bồn gỗ, đứng đằng sau lưng bà. Bà không hề phát hiện ra tôi. Thế là tôi lại thử tiến lại gần thêm chút nữa, bà vẫn đang chăm chú nhặt mớ rau của mình. Tôi đứng dựa vào bức tường, cách bà có 1m, và cứ đứng thế nhìn bà.
Chẳng ai biết được lúc sợ hãi đứng dựa vào tường nhìn bà chăm chú tôi đã nghĩ những gì. Thế nhưng sau này khi lớn lên, tôi lại rất dễ dàng nhận ra ánh mắt mong chờ của người khác. Có lẽ chính từ ngày hôm đó, tôi bắt đầu biết cách dùng ánh mắt để biểu lộ sự mong chờ.
Cuối cùng bà cũng phát hiện ra tôi, đẩy tôi về phía sau, bà quát: “Mày đứng đây làm cái gì! Tránh ra!
”
Tôi nghĩ rằng đây chính là câu nói đầu tiên mà tôi nhớ mãi trong suốt cuộc đời này.
Cảnh tượng đó mãi mãi in đậm trong tâm trí tôi, một cô bé đứng dựa vào bức tường đá lạnh, đưa ánh mắt nhìn về phía người bà của mình, sợ sệt nhưng đầy mong chờ. Cô bé chỉ mong có thể lại gần bà một chút, hi vọng được bà xoa đầu mình nhưng tất cả những gì cô nhận được chỉ là một động tác xua đuổi và một câu: “Tránh ra!
”
Năm tôi bốn tuổi thì bà mất.
Bà tuy đã mất từ ngày ấy nhưng có một vài ký ức về bà vẫn còn ảnh hưởng đến tôi cho tới tận bây giờ.
Ví dụ như tôi ghét tất cả những thứ làm bằng gỗ. Bây giờ những nhà giàu có thường thích dùng đồ bằng gỗ và cho rằng đó là một hành động trở về với thiên nhiên, là học theo phong cách Bắc Âu, còn tôi cứ nhìn thấy đồ gia dụng bằng gõ là nghĩ ngay đến những năm tháng tuổi thơ sống cùng bà nội.
Hay như việc tôi không “kính trên nhường dưới” cũng vậy. Đi xe bus tôi chưa bao giờ những chỗ cho các bà già, chỉ nhường chỗ cho các ông già.
Còn nữa, tôi không dễ dàng lại gần bất kì ai, bởi vì tôi sợ họ đột nhiên đẩy tôi ngã xuống đất.
Bà còn cho tôi biết rằng: Trên thế gian này chẳng có ai là yêu tôi vô điều kiện, kể cả người thân của tôi.
Những thứ này đều là món gia tài vĩ đại mà bà đã để lại cho tôi, đủ cho tôi dùng cả một đời.